Nhổ răng khôn

Răng khôn là gì?

Răng khôn hay còn gọi là răng số 8 / răng cùng / răng cấm bản chất là chiếc răng hàm (răng cối) trong cùng.

Chiếc răng này sẽ xuất hiện muộn nhất, chỉ hoàn thiện và mọc ở tuổi trưởng thành nên dân gian gọi là răng khôn – Wisdom tooth.

Lúc này, phần xương hàm đã cứng lại, phần lợi phủ bên trên dày chắc, cùng với một số yếu tố toàn thân khác nên mỗi khi răng mọc, khổ chủ sẽ cảm thấy hơi đau (hoặc có thể sốt nhẹ).

Thêm vào đó, do xương hàm đã phát triển hết, đa số trường hợp sẽ không đủ chỗ cho răng khôn phát triển bình thường nên dễ bị mọc lệch, mọc ngầm, hoặc đâm xiên vào chân các răng lân cận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ răng miệng.

Ước tính có đến 85% trường hợp răng khôn mọc bất thường và sẽ bị nhổ đi.

Răng khôn mọc khi nào?

Từ năm 10 tuổi, răng khôn bắt đầu hình thành trong xương hàm và bắt đầu mọc ở độ tuổi 17-25. Tuy nhiên cũng có lúc răng khôn xuất hiện muộn hơn sau 30 tuổi, và cũng có những trường hợp hoàn toàn không có mầm răng khôn. Những trường hợp này không phải hiếm và thường do di truyền quyết định.

Tuỳ cơ địa mỗi người mà thời gian mọc răng khôn có thể kéo dài vài tháng, thậm chí vài năm mới mọc hết răng khôn. Răng khôn sẽ không mọc một lần là xong, mà mỗi lúc “nhú” ra một tí, gây đau liên tiếp mỗi lần mọc, cho đến khi bạn nhổ nó đi, hoặc nó mọc ổn định hơn.

Các dạng mọc của răng khôn

Răng khôn mọc lệch ngang: nếu răng khôn không mọc thẳng mà mọc xiên ngang góc 45-90 độ, đâm sang răng số 7 sẽ gây ra những cơn đau nhức dữ dội không thuyên giảm. Răng khôn mọc ngang sẽ có nguy cơ làm răng số 7 bị lung lay, tiêu xương và hậu quả có thể dẫn đến mất răng số 7 hoặc xô lệch cả hàm răng.

Răng khôn mọc thẳng: Trường hợp có đủ chỗ mọc, răng khôn sẽ mọc thẳng đúng vị trí. Khi răng mọc, bạn sẽ cảm thấy hơi đau, có thể kèm sốt nhẹ tạm thời trong vòng 1-2 ngày khi răng mọc. Tình trạng này sẽ biến mất khi răng đã mọc hoàn toàn và đúng vị trí.

Răng khôn mọc lệch ngầm: Nhiều trường hợp răng khôn không mọc lên trên mà mọc ngầm tiến triển âm thầm trong xương hàm mà ta không hề hay biết. Trong trường hợp này , nếu không được điều trị kịp thời thì xương hàm sẽ bị tiêu xương dần, gây rụng răng và làm tăng nguy cơ gãy xương hàm.

Lợi trùm răng khôn: Khi răng khôn mọc lên mà lợi quá dai chắc, răng không mọc lên được, sẽ dễ gây ra tình trạng viêm lợi trùm, làm nướu bị sưng đỏ. Để lâu ngày, răng khôn gây ra viêm quanh thân răng, dần dần tạo thành túi mủ. Bệnh nhân có triệu chứng cứng hàm, khó khăn trong việc há miệng,…. Nếu kéo dài không được phát hiện và điều trị kịp thời, răng khôn sẽ phá huỷ xương xung quanh răng và các răng bên cạnh.

>> Các trường hợp răng khôn mọc lệch và hướng xử lí

Triệu chứng mọc răng khôn?

Nhiều người khi mọc răng khôn sẽ có thể đau đến mức “ăn không ngon, ngủ không yên”. Cũng có người lại đau rất ít, chỉ đau khi ăn nhai chạm vào vùng nướu nơi răng khôn đang mọc. Dấu hiệu mọc răng khôn đầu tiên thường sẽ là cảm giác đau nhức. Sau đó các biểu hiện mọc răng khôn khác sẽ xuất hiện cùng một lúc, thường bao gồm:

– Đau nhức từ bên trong răng, có thể lan toả ra các răng hàm bên cạnh

– Nướu sưng đỏ: Khi răng chưa trồi lên hết được sẽ làm phần lợi phía trên và xung quanh răng bị sưng phồng lên

– Khó há miệng: hàm bệnh nhân cứng lại, há miệng khó khăn, cử động cơ miệng không linh hoạt

– Sốt nhẹ: mọc răng khôn có thể gây sốt nhẹ tầm 38 độ.

>> Tìm hiểu thêm về các triệu chứng khi mọc răng khôn

Răng khôn có nên nhổ?

Tại sao hầu hết răng khôn đều phải nhổ? Nếu may mắn, răng khôn mọc đúng, bình thường, khít với các răng khác thì nó có thể đóng vai trò răng hàm để thực hiện chức năng ăn nhai.

Tuy nhiên, do răng khôn nằm sâu trong cùng, rất khó vệ sinh. Thêm vào đó, rất hiếm trường hợp răng khôn khít hoàn toàn với các răng khác mà thường có kẽ gây nhồi nhét thức ăn. Chính vì thế, răng khôn sẽ như một “ổ sâu”, là nơi trú ngụ và sinh sôi của các loại vi khuẩn gây sâu răng, viêm nướu, hôi miệng. Lâu ngày, không chỉ răng khôn bị ảnh hưởng mà còn lây lan ra các răng khác.

Trong đa số các trường hợp còn lại: răng khôn mọc lệch, mọc ngầm, viêm lợi trùm gây ra những cơn đau nhức dữ dội, cộng thêm các biến chứng như sưng viêm, xô lệch răng, hỏng răng số 7…Khi đó, việc nhổ bỏ răng khôn mọc lệch là điều cần thiết.

>> Thời điểm nào thích hợp để nhổ răng khôn?

Răng khôn nhổ càng sớm khi chân răng ít phát triễn sẽ ít gây biến chứng. Vậy nên Hiệp Hội Nha Khoa Hoa Kỳ khuyên người ở độ tuổi từ 16 đến 19 nên đi khám răng để được kiểm tra và đánh giá tình trạng răng khôn xem có cần nhổ hay không.

Từ sau 35 tuổi, nhổ răng khôn sẽ khó hơn và cần nhiều thời gian để phục hồi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0949148686